Hình ảnh lớp học thực hành » Thực hành tại một số lớp Sơ cấp nghề
TÌNH HÌNH HỌC THỰC HÀNH TẠI CÁC LỚP SCN
Năm học 2015 - 2016
Tiếp tục thực hiện Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo Quyết định số 1956/QĐ-TTg của Thủ tướng chính phủ. Năm 2015, trường Trung cấp nghề Kinh tế kỹ thuật và thủ công mỹ nghệ truyền thống Thuận Thành đã tổ chức thành công lớp dạy nghề cho lao động nông thôn đặc biệt là các nghề truyền thống trên địa bàn các xã thuộc huyện Thuận Thành như Trí Quả, Hoài Thượng, Đình Tổ, Đại Đồng Thành,…,phát triển một số lĩnh vực, ngành nghề truyền thống như: Kỹ thuật làm đậu, Kỹ thuật trồng rau an toàn, Kỹ thuật chăn nuôi thú y, Kỹ thuật làm tương,…nhằm giúp bà con nông dân giữ được nghề và áp dụng khoa học công nghệ mới vào sản xuất.
Trong năm nay, ngay từ công tác tuyển sinh mở lớp, nhà trường đã tiến hành rà soát chặt chẽ các đối tượng tham dự đăng ký học nghề. Đối tượng học viên được lựa chọn từ các đoàn thể như Hội phụ nữ, Hội nông dân, Đoàn thanh niên,… theo nhu cầu thực tế tại từng xã.
Giáo viên giảng dạy từng lớp được phân công và thực hiện theo kế hoạch ngay từ đầu năm, mỗi lớp đều có giáo viên chủ nhiệm và giảng dạy riêng để bám sát tình hình học tập của từng lớp.
Ngoài ra, nhà trường còn mời thêm các chuyên gia về một số ngành nghề về hỗ trợ và giảng dạy thêm cho học viên một số nội dung chuyên sâu.
Phòng Đào tạo xây dựng chương trình cụ thể, có lịch trình, giáo trình và giáo án giảng dạy đầy đủ, kết hợp giữa học lý thuyết và thực hành, nội dung sát với thực tế tại từng địa phương, nâng cao hiệu quả học tập.
Nhà trường cũng đã chuẩn bị đầy đủ các nội dung về vật tư, thiết bị, nguyên vật liệu và văn phòng phẩm thiết thực phục vụ công tác học tập, giảng dạy như: Bút, vở, tài liệu phát tay, cây giống, con giống, thuốc phòng trừ sâu bệnh, thức ăn chăn nuôi… để học viên sử dụng trong các buổi thực hành.
Với phương pháp giảng dạy kết hợp giữa lý thuyết và thực hành nên hiện nay các lớp đều thu hút đông đảo học viên tích cực tham gia. Nội dung chương trình học tập trung vào các chủ đề về kiến thức khoa học kỹ thuật mới trong sản xuất, chăn nuôi, trồng trọt như: Kỹ thuật lựa chọn cây, con giống, xác định thời vụ thích hợp; chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh cho cây trồng, vật nuôi; kỹ thuật chăm sóc gia súc, gia cầm; đặc biệt là đối với nghề kỹ thuật làm tương, làm đậu, kỹ thuật chăn nuôi,…, các nội dung đều có các chuyên gia hướng dẫn học viên một số vướng mắc khi sản xuất tại gia đình, giúp học viên nâng cao hiệu quả và chất lượng sản xuất.
Thực hành nghề Kỹ thuật làm đậu tại Trí Quả
Thực hành nghề tương tại Đình tổ
Đối với một số lớp đã tổ chức kết thúc khóa học, học viên đã có thể áp dụng vào sản xuất tại gia đình và tuyên truyền, tổ chức sản xuất tập trung tại địa phương. Từ đó làm tăng hiệu quả sản xuất nông nghiệp, thực hiện tái cơ cấu lao động nông thôn, góp phần đẩy nhanh tiến độ xây dựng nông thôn mới tại các địa phương nói riêng và tại địa bàn huyện nói chung./.
- Wr: Phòng Đào tạo -