Hội nghị sơ kết, đánh giá kết quả thực hiện » Làng nghề truyền thống tại Thuận Thành - Bắc Ninh
Tiếp sức cho làng nghề truyền thống
(Nguồn từ báo điện tử nhân dân)
Từ mục tiêu và nhiệm vụ được giao, với sự tập trung lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp, Trường trung cấp nghề Kinh tế - Kỹ thuật và thủ công mỹ nghệ truyền thống huyện Thuận Thành (Bắc Ninh) đã có nhiều giải pháp tốt nhằm đào tạo, cung cấp nguồn nhân lực có chất lượng cao góp phần khôi phục và phát triển các làng nghề; phục vụ chuyển dịch cơ cấu kinh tế trên địa bàn...
Huyện Thuận Thành gồm 18 xã, thị trấn với 108 thôn. Nơi đây vốn là vùng quê văn hiến với rất nhiều làng nghề truyền thống, nổi danh đất Kinh Bắc, như: Nghề mây tre đan ở thôn Cả, thị trấn Hồ, nghề tranh Đông Hồ ở xã Song Hồ, nghề may màn ở xã Hoài Thượng, nghề đậu phụ ở xã Trí Quả, ngoài ra còn có nghề đúc đồng ở xã Đào Viên, Nguyệt Đức hay nghề gốm Luy Lâu ở xã Hà Mãn...
Tuy nhiên, sau nhiều thăng trầm, vào năm 2009, huyện chỉ còn năm làng nghề truyền thống, nhưng cũng dần mai một. Vào thời điểm này, toàn huyện có hàng chục nghìn lao động nông thôn, trong đó một tỷ lệ lớn chưa có nghề. Huyện ủy đề ra nhiều chương trình đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho lao động nông thôn. Theo đó, Trường trung cấp nghề Kinh tế - Kỹ thuật và thủ công mỹ nghệ truyền thống Thuận Thành được thành lập.
Đồng chí Nguyễn Văn Chế, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, ngay từ những ngày đầu thành lập với sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy và chính quyền địa phương, nhà trường đã tập trung vào mục tiêu đào tạo nghề cho lao động nông thôn và khôi phục, phát triển làng nghề truyền thống. Nhà trường đã tiến hành khảo sát, rà soát trên địa bàn huyện về lao động tham gia vào các ngành nghề thuộc lĩnh vực nông nghiệp; công nghiệp thương mại và dịch vụ. Trường cũng tiến hành khảo sát lao động thuộc tám làng nghề truyền thống, cho thấy lao động biết nghề và làm nghề còn rất khiêm tốn, cho nên với các ngành nghề này sản phẩm có xu hướng giảm cả về số lượng và chất lượng. Kết quả khảo sát cũng cho thấy nhu cầu và nhiệm vụ cấp bách của các cơ sở đào tạo nghề trên địa bàn trong việc khôi phục và phát triển các làng nghề. Đây cũng là định hướng, mục tiêu quan trọng trong lãnh đạo của tổ đảng, sau này là chi bộ nhà trường.
Ngay sau khi được thành lập (tháng 8-2012), chi bộ nhà trường luôn bám sát sự lãnh đạo của cấp trên, định hướng mục tiêu phát triển nhà trường và công tác đào tạo nghề trong tình hình mới. Chi bộ tập trung xây dựng mối đoàn kết thống nhất trong chi bộ và các khoa, phòng của trường; lãnh đạo xây dựng đội ngũ giáo viên và phát triển hệ thống chương trình, giáo trình phục vụ công tác đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm cho lao động nông thôn. Chi bộ cùng Ban Giám hiệu nhà trường đã có nhiều giải pháp tốt hướng vào việc khôi phục, phát triển các nghề truyền thống và các làng nghề trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh. Với sự chỉ đạo của Huyện ủy, nhà trường đã tham mưu, cùng các cấp ủy, chính quyền xã tổ chức nhiều hội nghị tọa đàm tại các làng có nghề truyền thống với chủ đề “Những giải pháp để khôi phục và phát triển làng nghề truyền thống”.
Chương trình đã thu hút đại diện cấp ủy, chính quyền các xã, thôn có làng nghề, các nghệ nhân, thợ giỏi và chuyên gia của tỉnh, huyện và lao động đang làm nghề. Nhà trường cùng với UBND các xã và đại diện các thôn tiến hành xây dựng kế hoạch rà soát, tuyển sinh mở lớp tại các làng nghề. Nhà trường chủ động phối hợp các nghệ nhân, thợ giỏi làng nghề tổ chức xây dựng chương trình, giáo trình các lớp học. Đồng thời, cấp ủy, chính quyền địa phương phối hợp nhà trường thành lập Ban chỉ đạo khôi phục và phát triển làng nghề, gắn với kế hoạch phát triển làng nghề giai đoạn 2010 - 2015 của tỉnh Bắc Ninh. Với những cách làm trên đã từng bước nâng cao được nhận thức, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền xã, thôn, người lao động trong làng nghề có trách nhiệm cao hơn trong việc khôi phục và phát triển làng nghề.
Kết quả, sau ba năm tuyển sinh, đã có 325 lao động tham gia đăng ký học các nghề truyền thống đúc dát đồng, kỹ thuật điêu khắc gỗ và kỹ thuật làm đậu gù Trà Lâm... Để chủ động trong công tác đào tạo, nhà trường đã phối hợp các nghệ nhân thuộc hiệp hội dạy nghề Việt Nam, các chuyên gia nghề truyền thống và thợ giỏi của làng nghề xây dựng các nội dung chương trình đào tạo nghề theo hướng dẫn của Tổng cục Dạy nghề, đặc biệt nhà trường coi trọng việc đào tạo giữa nghề truyền thống với công nghệ mới, sản phẩm nghề truyền thống với thị hiếu, thị trường, gắn kết giữa kinh nghiệm của làng nghề với phương pháp đào tạo mới theo khoa học, phương pháp lấy ý kiến chuyên gia và kinh nghiệm từ các nghệ nhân, thợ giỏi của các làng nghề...
Nhiều năm qua, chi bộ nhà trường đã phát triển cả về số lượng và chất lượng đảng viên. Các đảng viên được phân bố ở các bộ môn, phòng ban, có sự đóng góp tích cực vào nhiệm vụ chính trị của nhà trường.
Điều đáng ghi nhận, sau các khóa học, nhà trường đều phối hợp các tổ chức tín dụng, các doanh nghiệp trong và ngoài huyện thực hiện việc ký kết các giao ước về vay vốn, bao tiêu sản phẩm các làng nghề; giúp các làng nghề có cơ hội mở rộng và nhân rộng nhiều mô hình sản xuất. Với những kết quả đã đạt được, nhà trường nhiều năm liền được UBND tỉnh Bắc Ninh đánh giá cao trong thực hiện mục tiêu xây dựng nông thôn mới; góp phần nâng cao nét văn hóa làng quê, tạo việc làm, tăng thu nhập cho lao động nông thôn; thực hiện tốt chính sách giảm nghèo bền vững.
ĐẶNG NAM HẢI